top of page

Hãy dành một chút ý thức, hai chút tôn trọng với những người mẹ quét rác!

  • Writer: Baro Nguyễn
    Baro Nguyễn
  • Nov 20, 2020
  • 5 min read



Đi ngang phố thị buổi tối, chen chúc giữa đám đông để mua cho mình mấy xiên cá viên chiên, bâng quơ nhìn đối diện thì chợt thấy những ly trà sữa, trà đào vơi đi một nửa bị những cô cậu tuổi teen bỏ rơi ngon lành trên băng ghế ngồi, cốc nước còn chưa tan hết đá và trên ly còn nóng hổi hơi của những bàn tay xinh đẹp, kiêu sa, nết na, nhưng vô tâm và hời hợt.


Phố đi bộ đầy người qua kẻ lại, những ánh đèn lấp lánh từ những quán ăn, tiệm cà phê ven đường chiếu xuống những con người đang hối hả tất bật trong chính cuộc vui của mình, khiến khuôn mặt họ trở nên rõ nét trong màn đêm dày đặc, ánh đèn chiếu xuống những tạp âm ồn ã, xập xình chói tai, để dành một góc tối đen nhỏ đang khép nép đứng ở bên góc trái con đường, im ỉm và bốc mùi, là một thùng rác đã đầy, thừa thêm mớ bao rác chung quanh.


Chỉ một chút ý thức, một chút suy nghĩ cho cộng đồng kèm theo từng chút một những hành động nhỏ nhoi như vứt rác đúng nơi quy định, không tiện tay ngồi đâu vứt đó đã là yêu thương mẹ thiên nhiên, yêu thương môi trường nơi ta sống và cả những con người ngày đêm phải đi dọn những chiếc ly nhựa, hộp xốp mà ta đã vô tình đánh rơi bên vệ đường. Đó là những con người lao động cao quý, những cô chú không ngại tiếp xúc với rác thải bốc mùi, hy sinh một chút để mang lại danh hiệu xanh sạch đẹp cho thành phố. Thế mà khi biết bạn mình có mẹ là nữ công nhân quét rác, em lại cười nhạo bạn, cho đó là bẩn thỉu, là một nghề rẻ tiền, không ra gì. Khi thấy mẹ đứng đợi bạn trước cổng trường, em tỏ vẻ khinh bỉ, tránh xa cô ấy vì sợ những vết bẩn và mùi hôi tanh của rác sẽ vạ lây vào người em. Khi trêu chọc bạn, em thậm chí không ngại lôi cả tên và nghề nghiệp của mẹ ra để sỉ nhục, uy hiếp tinh thần của cô bạn nhỏ bé ấy.


Nhưng em à, tôi nói em nghe, nghề nào trên cuộc đời này đều cao quý như nhau, từ thợ hồ đến chủ tịch tập đoàn X công ti Y, quan trọng là gỗ chứ không phải nước sơn là yếu tố quyết định nhân cách của một người. Chúng ta ngày nay thường có xu hướng chụp mũ và đánh giá người khác dựa trên quần áo họ mặc, giày dép họ mang và chiếc xe họ đi. Đó là biểu hiện của một người thiếu hiểu biết, và lỗ hổng kiến thức đó không được lắp đầy mà còn tạo ra một lỗ hổng lớn hơn tồn tại trong tâm thức: lỗ hổng nhân cách.


Bằng cách sỉ nhục người khác, em cho mình tốt hơn, sạch sẽ hơn và nghiễm nhiên cho mình là người giàu có hơn những người "khố rách áo ôm" - như lời em đã nói trước mắt bạn ấy và mẹ bạn. Nhưng người "giàu có" thực sự toả sáng từ nét đẹp bên trong tâm hồn. Em có tưởng tượng được không, khi mà những việc em đã làm, điều em đã nói và ánh mắt em đã thể hiện xúc phạm đến lòng tự trọng của một con người, để lại trong họ một vết sẹo mà họ có thể phải gánh chịu những đau đớn, dày vò suốt đời, đến từ vết thương đang âm thầm rỉ máu. Em có nghĩ những lời lẽ cay độc nhắm vào gia đình bạn vì mẹ bạn làm công nhân quét rác sẽ xuất hiện dai dẳng trong tâm trí người bạn nhỏ, em có nghĩ khi em làm vậy, bạn sẽ không khỏi xấu hổ, bức xúc trước bè bạn, xã hội và cả chính bản thân mình, để rồi đến một ngày bạn sẽ buột miệng mà cằn nhằn "mẹ mình đáng ra phải...". Nhưng thực ra, người ôm nỗi đau nhiều nhất vẫn là mẹ - người hết mực yêu thương con, chăm lo cho con từng chút một, dù kinh tế hạn hẹp nhưng vẫn không để con mình chạy đua thua thiệt những bạn đồng trang lứa, thua xã hội, cuộc đời.


Em sợ vết bẩn lấm lem vào người em. Nhưng đó không phải là vết bẩn, khi em đã biết quý trọng thành quả của những người lao động chân chất, những giọt mồ hôi, nước mắt và cả những câu chuyện chưa một lần được kể. Em hãy hạ cái tôi của mình xuống và nhớ đến lời của bố Enrico trong "Những tâm hồn cao thượng" đã giáo dục con mình: "Những gì bị vấy lên quần áo trong lúc con làm việc thì đều không phải là vết bẩn con trai ạ. Con có thể gọi chúng là bụi, là vôi, là véc-ni, là bất kể thứ gì con muốn, nhưng chúng nhất quyết không phải là "vết bẩn". Lao động không mang lại vết bẩn nào cả".


Em ơi hãy nhớ lấy, điều cao quý không nằm ở đôi giày em mang mà nằm ở cách em cư xử với những người không mang lại lợi ích vật chất cho mình. Và khi gặp những cô chú quét rác bên đường, tự dặn lòng mình bỏ rác đúng nơi quy định để không tạo thêm công ăn việc làm cho họ nữa, vì con họ đang đợi họ ở nhà, con họ đang đợi cả miếng cơm manh áo của bố, mẹ.


-------------------------------



"Cháu xin lỗi cô ạ!"


Em thở hổn hển nói to, nhìn với theo bóng hai mẹ con đang lầm lũi tản bộ về nhà. Nắng đã dịu bớt, nhưng dòng người vẫn mãi mê chen chúc nhau trên mọi nẻo đường. Ánh mắt em đượm suy tư, em thở ra một hơi dài như mùa mưa đầy hứa hẹn ở Sài Gòn không bao giờ tới, tay đưa lên mặt, em sờ nắn miệng mình, hối hận biết bao những lời cay độc em đã buột miệng tuôn ra, ba mẹ em mà biết chắc cũng sẽ buồn và thất vọng về em lắm. Một phút bồng bột của tuổi trẻ, một đời đau thương nhận về một ai khác. Đến giờ, 17 năm ròng trôi qua em mới hiểu cuộc sống như chuỗi thời tiết, và mỗi nơi, cuộc đời mỗi người đều có những câu chuyện - chuỗi thời tiết khác nhau. Có nhiều ngôi nhà luôn êm đềm hạnh phúc, nhưng cũng có không ít khó khăn chật vật - những cơn mưa rơi "lã chã" xuống những căn nhà nằm khiêm tốn trong nhiều con ngách ngõ hẻm. Đứng trước cổng trường một lúc, em lại băn khoăn về một ngày của người phụ nữ quét rác đó, về câu nói của cô trước khi dắt tay bạn ra về:


- Cô không giàu có về tiền bạc như con, nhưng cô tin mình giàu tình cảm là đủ để yêu con cô hết lòng, dù có ai nói xấu con cô hay cô đi chăng nữa, cô vẫn hạnh phúc với cuộc sống hai mẹ con. Những lời con nói cô không để bụng, chỉ cần con biết mở lòng để yêu thương bạn con như người chung một nhà, và sẵn sàng an ủi, chở che khi gặp nước mắt bạn rơi. Thôi mẹ con cô về lát cô còn làm ca tối ở Thống Nhất. Con cũng về sớm đi nhé, trời cũng sắp mưa rồi đó...




Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • Instagram

Inner Pieces

123-456-7890

info@mysite.com

© 2023 by Inner Pieces.

Proudly created with Wix.com

Contact

Ask me anything

Thanks for submitting!

bottom of page