top of page

Vì con, không ngại khổ ngại khó. Nhưng mà... con có quên gì không?

  • Writer: Baro Nguyễn
    Baro Nguyễn
  • Sep 13, 2020
  • 5 min read

Tối nay khi màn đêm buông xuống lặng lẽ trên những con đường thênh thang người qua kẻ lại, tất bật một góc phố, là những quán ăn, quán nhậu khiến người ta mở lòng mình qua vài chai bia Tiger, qua men say thủ thỉ bên tai nhau những chuyện vui buồn không đầu không cuối, những hối hả nhường chỗ cho sự chân thành và bao dung dành cho những người con xa xứ. Nép bên lòng phố thị rộn rã còi xe nhộn nhịp, trung tâm phồn hoa lộng lẫy là những con người lam lũ với cây chổi đã cũ, vội sắn tay áo dọn sạch bãi chiến trường sau buổi ăn chơi tất bật, đâu đó có những ánh mắt vô tình gặp nhau rồi kịp quay lại với những tâm tư của mình.


Đâu đó cách xa những bộn bề thành phố, những con người mộc mạc ra đồng rẫy dưới mùa nắng chói chang với ước mong mùa màng bội thu, đi với cây cuốc trong tay trước khi bình minh kịp ló dạng đến khi hoàng hôn lụi dần, những bước đi vững chãi trở về, mặt mày ướt đẫm mồ hôi, trên tay cầm lấy miếng cơm manh áo, niềm thương con gửi gắm vào những bó lúa, bó rau. Tài sản nhỏ nhoi vậy thôi, có chỉ cũng gửi hết cho hai đứa con đi học nơi phương xa, số tiền còn lại hai ông bà thắt bụng ăn ít lại, vết chân chim hằn trên khuôn mặt hiền hậu, chất phác của người nông dân lúa nước. Gì chứ hỏi về ước mơ để đời của ổng là ổng nói, "Cho hai đứa nhỏ lên thành phố học rồi lập nghiệp trên trển, chứ đừng đi theo con đường của ba má nó, quanh năm cặm cụi với đồng áng, tiền cũng chỉ đủ cho mấy cái miệng thôi. Chậc." Nói là làng nghề truyền thống, mang biểu tượng cao quý của đất nước, nhưng sao mà cơ cực quá...


Về với những ngày thơ bé, tôi muốn làm siêu nhân, để đánh quái vật diệt trừ cái ác, bảo vệ công lý. Lớn lên như ngày hôm nay, nếu có lời nhắn nhủ với cậu bé năm xưa, thì tôi chỉ muốn nói những trò chơi điện tử không thú vị và quý giá bằng dành hàng giờ với đám bạn trốn tìm dưới tán cây bàng năm nào, và siêu nhân không phải tay không đánh quái vật, mà tay họ cầm những cán chổi với chiếc xe đựng rác, mang tình yêu lặng lẽ dành cho môi trường để dành cho chúng ta trong những ngày nắng cũng như những ngày mưa, là những người dân chài, dân đồng rẫy mang trong mình ngọn lửa của đất nước, của nền văn hoá độc đáo bình dị, của tình keo sơn gắn liền với đất trời, với biển cả.


Hằng ngày những chiếc túi, chiếc giày, những bộ đồ đắt tiền được bán ra mỗi ngày, những món đồ tinh tế, sang trọng, xa hoa vẫn được người ta mua. Cuộc sắm sửa của họ cũng đơn giản như mua một viên kẹo, một cành hoa hay một gói mì trẻ em, không chút thắt lòng nào. Nếu ta đưa nó cho những người dân quanh năm canh rau muống với cà dầm tương, họ sẽ chìa bàn tay sần sùi đón nhận... và quy đổi chúng ra những bó rau, bó cải. Đó là trước khi họ biết giá trị của chiếc túi hơn cả một vụ mùa. Và lẫn trong nhóm số-ít đó, có những người con cười tươi trên những giọt nước mắt của mẹ, tiêu đi số tiền ba mẹ mình đã phải trả bằng mồ hôi nước mắt, bằng một nỗ lực kiên cường với những khó khăn thử thách trong đời, thậm chí bằng cả máu để dành dụm một ít gửi về đứa con "thơ" vào những thú vui quyến rũ và hấp dẫn của thành phố, rồi để chứng kiến một tết, hai mùa hoa mai, ba nồi bánh chưng, thôn quê vội vã vui tươi vào những ngày lễ hội linh đình, nhưng không trọn vẹn. Những năm tháng thiếu vắng bóng đứa con đi tha phương cầu thực mãi chưa về, những cuộc điện thoại gọi về thường xuyên hơn, nội dung chỉ vỏn vẹn bảy chữ "Ba mẹ gửi tiền cho con đi", ánh mắt nghi ngại nhìn nhau, trĩu buồn lên đôi tim hai vợ chồng già. Ngày qua ngày, bệnh tật cũng gõ cửa thường xuyên hơn. Nay lưng đau nhức quá ông, thế hả, còn tôi thì đau hai cái cẳng này. Quần quật suốt ngày, giá có thằng Trung về phụ thì tốt biết mấy... Nhưng đứa con trong những giây phút hạnh phúc của cuộc đời, đã quên mất hình bóng miền quê gió thổi quanh năm suốt tháng, quên căn nhà có mái hiên trước cửa, những tiếng í ới gọi nhau từ đầu ngõ "con Út, con Đậu về rồi đó hả con?", quên những cái ôm tay bắt mặt mừng thật sâu, thật đậm, và quên rằng ba mẹ nay đã già đi thêm một tuổi...


Hỡi những người con, dù có đi đâu về đâu, mong con đã uống nước thì phải nhớ cội nguồn, ăn chén cháo không chỉ nhớ vị ngon dịu, ngọt tê tê nơi đầu lưỡi mà còn nhớ về mẹ đã cất công canh lửa sao cho đủ nóng, canh gia vị sao cho không quá mặn cũng không quá ngọt, và người bố đang mớm con ăn nữa. Nên chớ đừng đá cái bát đi, bát không biết đau, nhưng con người thì có.


Vì đất đã chật, lòng người còn chật hơn


Vì Trái Đất càng nóng, còn máu người thì càng lạnh


Nên hãy luôn dành một góc trong trái tim để nhớ về những con người nhỏ bé như thế, tay chân lấm lem như thế xung quanh mình, vì yêu thương là đã cho, và cho sẽ được nhận lại thứ tình thương gấp mười lần như thế.


------------------------



Chiều nay như mọi ngày, tôi xách cặp đi học về. Khi mặt trời dợn buông xuống những vệt nắng cuối ngày, cũng là lúc tiếng còi xe gặp nhau giữa con phố lớn mịt mù bụi xe, nhưng vẫn không đủ lớn để xoa dịu trái tim của người lớn. Đâu đó dưới con đường phủ nhựa chai sần, hằn lên vết bánh xe của người mẹ công sở rước con sau giờ tan học, anh Grab mắt dán vào chiếc điện thoại, lâu lâu trở mắt nhìn ngang liếc dọc xem giữa khung cảnh hỗn độn có anh nào có cuốc tới Cộng Hoà để còn lưu số điện thoại tiện chén chú chén anh, những người đàn ông gương mặt hiện rõ vẻ mệt mỏi, 8 tiếng ngồi bàn giấy chỉ chực tội cái mông cực khổ. Những quán ăn lỉnh kỉnh hai bên đường dọn ra đón chờ những đợt khách vào buổi tối. Một bức tranh hỗn độn như mọi ngày nhưng trong tim tôi nhức nhối, thành phố thiếu đi một chi tiết gì đó, một thứ gì đó, một người nào đó...


Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • Instagram

Inner Pieces

123-456-7890

info@mysite.com

© 2023 by Inner Pieces.

Proudly created with Wix.com

Contact

Ask me anything

Thanks for submitting!

bottom of page